Giá trị Văn_bia_thời_Mạc

Lịch sử

Trong hoàn cảnh nhà Mạc bị xem là "ngụy triều" và nhiều thông tin, dấu ấn mà triều đại này để lại bị chính quyền Lê - Trịnh tàn phá, văn bia có vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung tư liệu lịch sử phục vụ việc nghiên cứu[5]. Các giá trị lịch sử của văn bia thời Mạc biểu hiện trên các mặt:

  • Hành chính: làm rõ hơn về hệ thống hành chính địa phương thời Mạc và các chức danh quản lý tại các đơn vị này. Đơn vị cao nhất là đạo vẫn giữ như thời Lê sơ, dưới đó là phủ - huyện - tổng – xã. Mỗi xã có khoảng 80-100 hộ gia đình, được xem là quy mô khá lớn đương thời[9].
  • Hoàng tộc: nhiều nhân vật trong hoàng tộc được xác định qua văn bia như chính phi Hoàng Ngọc Trâm, Hoàng thái hậu họ Vũ, Hoàng thái hậu họ Bùi, Quế Dương quận chúa Mạc Ngọc Mai, Nghi Xuân quận chúa Mạc Ngọc Lương, Phúc Thành thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lâm, Bảo Hoa thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lượng…[10]
  • Khoa cử: nhà Mạc đã tổ chức tất cả 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ nhưng trong suốt thời Mạc, việc khắc tên tiến sĩ vào bia đá trong Văn Miếu chỉ được thực hiện 2 lần, vào năm 1529 thời Mạc Thái Tổ và năm 1536 thời Mạc Thái Tông[11].
    • Lần dựng bia tiến sĩ năm 1529 ghi khoa thi năm đó của nhà Mạc;
    • Lần dựng bia năm 1536 (trong hoàn cảnh nhà Lê trung hưng bắt đầu được dựng lại từ năm 1533) lại không phải là bia tiến sĩ thi cử thời Mạc mà là bia tiến sĩ 2 khoa thi năm 1502 (thời Lê Hiến Tông) và 1518 (thời Lê Chiêu Tông) của nhà Hậu Lê đối địch[11].
Như vậy trong 22 khoa thi của nhà Mạc chỉ có khoa khoa Kỷ Sửu (1529) được dựng bia, việc dựng bia tiến sĩ ít tiến hành được do chiến tranh liên miên với nhà Lê trung hưng[12]. Việc dựng bia các tiến sĩ đỗ thời Lê sơ được nhìn nhận trên 2 góc độ: nhà Mạc trân trọng nhân tài và đồng thời muốn tranh thủ sự hợp tác của các nho sĩ cũ của nhà Lê[11].

Kinh tế - xã hội

Nội dung các văn bia phản ánh tình trạng sở hữu ruộng đất tư, với nhiều vụ giao dịch mua qua bán lại. Giá trị hàng hóa - dịch vụ cũng được xác định, như sửa lại một bia cũ hết 10 quan, 1 mẫu ruộng trị giá 30 quan…[13].

Các chùa thường được xây với quy mô không lớn nhưng kiến trúc khá hoàn chỉnh, gồm Tam quan - tiền đường – thiêu hương - thượng điện. Một số khác có thêm hậu đường – gác chuông – hành lang, phòng oản - cầu giếng. Chùa có xu thế du nhập cả đạo Lão.

Văn học

Văn bia có giá trị ngôn từ văn học khá cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng nghệ thuật ngôn từ này làm cho văn bia nhà Mạc nói riêng và văn bia Việt Nam nói chung có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học Việt Nam[14].

Trong các bài ký, văn bia được viết theo lối biền ngẫu, ngôn từ có hàm xúc, bố cục chặt chẽ, đặc biệt là bài ký của các nhà khoa cử và nho sinh. Những bài ký nổi tiếng là bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm trên Tam giáo tượng bi minh hay bài của Vũ Bang Kiệt trên Triệu hoàng thần từ bi...[14].